Sau 08 năm (2014 – 2022) triển khai đề án nghiên cứu khoa học về Đông Nam Bộ, trường ĐH Thủ Dầu Một đã hình thành nên cộng đồng học thuật mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tập thể trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học được công bố đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội miền Đông Nam Bộ.
Nhằm đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu chiến lược của đề án đến năm 2030, ngày 12/7/2022, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức hội nghị Tổng kết Đề án nghiên cứu khoa học về Đông Nam Bộ (giai đoạn 2014 – 2022). Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia trong Ban cố vấn đề án: GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP.HCM, GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Tp.HCM, PGS.TS Bùi Thế Cường – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, TS. Lê Hữu Phước – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH và NV TP.HCM, TS. Huỳnh Ngọc Đáng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương. Cùng dự có ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh, đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên. Về phía trường ĐH Thủ Dầu Một có, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, và thành viên nghiên cứu đề án.
Tại hội nghị, PGS.TS Hồ Sơn Đài – Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã báo cáo tóm tắt những kết quả trong 8 năm thực hiện đề án với 10 chương trình nghiên cứu bao gồm: Kinh tế, Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Lịch sử - Văn hóa, Môi trường, Đô thị hóa, Biển đảo, Biên giới, Kỹ thuật - Công nghệ và Hội nhập Quốc tế. Theo đó, đề án nghiên cứu khoa học về Đông Nam Bộ đã nghiệm thu 200 đề tài do cán bộ giảng viên thực hiện, 393 đề tài do nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thực hiện; Tổ chức 158 cuộc hội thảo khoa học (trong đó có 13 cuộc hội thảo quốc tế, 17 cuộc hội thảo quốc gia) và hàng trăm cuộc tọa đàm, seminar khác; Xuất bản 70 đầu sách; Công bố hơn 1.400 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và gần 500 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus. Kết quả đạt được của đề án đã trở thành một điểm nhấn, dấu ấn quan trọng trong chiến lược phát triển chung về khoa học công nghệ và đào tạo của trường ĐH Thủ Dầu Một. Đặc biệt, đề án không chỉ góp phần giải quyết nhiều vấn đề về lý luận lẫn thực tiễn ở miền Đông Nam Bộ, mà còn quảng bá hình ảnh, xây dựng uy tín khoa học của nhà trường.
Hội nghị đã lắng nghe ý kiến đánh giá và gợi mở những hướng phát triển mới cho đề án từ các chuyên gia cố vấn. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, quá trình phát triển của Đông Nam Bộ đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp cận toàn diện nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, cả về lý luận lẫn thực tiễn, cung cấp những dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ cho nhiệm vụ phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, đồng thời góp phần tổng kết những vấn đề lý luận về phát triển ở Việt Nam. Chính vì vậy “Kết quả đạt được của Đề án đã và đang trở thành một điểm nhấn, dấu ấn quan trọng thể hiện sự năng động, sáng tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra ở vùng Đông Nam Bộ” – GS.TSKH Vũ Minh Giang đúc kết. Bên cạnh đó, các chuyên gia cố vấn cũng mong muốn đề án có những công trình nghiên cứu đột phá, tạo tiếng vang cho trường; đồng thời đánh giá lại các chương trình không còn phù hợp với giai đoạn mới nhằm thay đổi, tập trung nguồn lực phát triển các chương trình trọng tâm,… Một số gợi mở, giải pháp được đưa ra tại hội nghị như tăng cường khai thác môi trường hợp tác quốc tế của tỉnh Bình Dương phục vụ chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030 tầm nhìn 2045; Quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong mỗi chương trình nghiên cứu cùng phối hợp đẩy mạnh các hướng nghiên cứu mũi nhọn là thế mạnh, góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học mang thương hiệu, dấu ấn của nhà trường trên bản đồ học thuật trong nước và quốc tế; Mở rộng chủ đề nghiên cứu gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cộng đồng miền Đông Nam Bộ; Đồng thời khai thác và phát huy những giá trị văn hóa, con người của vùng đất này nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng miền Đông Nam Bộ phồn vinh, hạnh phúc,…
Tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia cố vấn, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ nhiệm đề án cho biết, ĐH Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục triển khai đề án ở mức độ sâu hơn, gắn kết toàn diện với kế hoạch chiến lược chung của trường trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các chủ đề, chương trình nghiên cứu sẽ gắn kết sâu vào 3 đột phá chiến lược (hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách), đồng thời chú trọng những vấn đề bức thiết mà cuộc sống xã hội ở miền Đông Nam Bộ đặt ra như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kinh tế số, xã hội số; về chuyển biến, phân tầng, cơ cấu xã hội, nghề nghiệp; về liên kết vùng và vùng động lực; về dự báo kinh tế xã hội… Các chủ đề nghiên cứu, dự báo sẽ được thúc đẩy theo hướng có kết quả nhanh, đáp ứng được các tình huống khẩn cấp (như trường hợp dự báo về diễn biến đại dịch Covid-19 vừa qua). Các đề tài, dự án nghiên cứu về miền Đông Nam Bộ cũng sẽ được triển khai theo hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành, đặc biệt là xuyên ngành và chú trọng hướng liên kết với doanh nghiệp để có thể chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn.
Sau 08 năm (2014 – 2022) triển khai đề án nghiên cứu khoa học về Đông Nam Bộ, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu chiến lược của đề án đến năm 2030
PGS.TS Hồ Sơn Đài – Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã báo cáo tóm tắt những kết quả trong 8 năm thực hiện đề án với 10 chương trình nghiên cứu
GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định kết quả đạt được của Đề án đã và đang trở thành một điểm nhấn, dấu ấn quan trọng thể hiện sự năng động, uy tín trong hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một
PGS.TS Bùi Thế Cường – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo
TS. Lê Hữu Phước – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH và NV TP.HCM gợi mở các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn là thế mạnh, góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học mang thương hiệu, dấu ấn của nhà trường trên bản đồ học thuật trong nước và quốc tế
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ nhiệm đề án phát biểu tổng luận hội nghị
Trên hành trình sắp tới, Đề án sẽ tiếp tục triển khai đề án ở mức độ sâu hơn, gắn kết toàn diện với kế hoạch chiến lược chung của trường trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học
Mời quý vị xem tin, bài về hội nghị dăng trên các báo, đài:
http://btv.org.vn/video/chuong-trinh-thoi-su-1830-ngay-12-7-2022-110836.html
https://baobinhduong.vn/tong-ket-de-an-nghien-cuu-khoa-hoc-ve-mien-dong-nam-bo-a275309.html
https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2022/07/813-cung-cap-du-lieu-va-luan-cu-khoa-hoc-phuc-vu-hoach-dinh-chinh-sach-phat-trien-ben-vung-vung-dong-nam-b
BBT